Trong các ngày từ mùng 2 đến mùng 4 tết Giáp Ngọ 2014, tại ấp Giồng Thanh Bạch xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn; Ban quản lý di tích Lăng Ông Trà Ôn phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ hội văn hóa, lễ giỗ lần thứ 194 năm ngày mất ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn. Đây là năm thứ 2, lễ hội được nâng lên bước mới; có phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi ,nhằm tạo điểm nhấn, nâng tầm các hoạt động văn hóa dân gian…và góp phần cho ngày tết cổ truyền thêm vui ở miền quê vùng sông nước.
Lăng Ông là di tích cấp quốc gia và tự thân có sức lan tỏa trong dân gian về một nhân vật lịch sử có thật, tạo nên sự tôn thờ, tín ngưỡng của đông đảo người dân trong vùng, là điều kiện rất thuận lợi để phát huy hơn nữa giá trị của di tích. Mỗi năm, Lăng Ông có khoảng 30- 40 ngàn người đến tham quan, thắp hưởng tưởng nhớ đến công ơn vị tướng tài được mang “Quốc tính” triều Nguyễn. Trong nghi lễ thực hành các nghi thức cúng tế như: lễ Túc Yết, Chánh tế, Xây chầu, Đại bội, dâng hương dâng hoa, hát bội, múa lân, nhạc lễ dân tộc Kinh- Hoa- Khmer…Đây là nghi thức tín ngưỡng dân gian bản địa để nhằm nhớ ơn bậc tiền nhân có công trong những buổi đầu mở đất; cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; làm phong phú thêm nhu cầu tâm thức, tâm linh và nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa các vùng quê thuộc miệt vườn Nam Bộ. Ông Trần Văn Bảy – Trưởng Ban quản lý di tích Lăng Ông Trà Ôn phấn khởi nói:“ hôm nay muốn nói rõ cái di tích này hôm nay của cấp tỉnh; tôi tính là không ngỡ làm được như thế này, không ngỡ là hôm nay được cái di tích mà khan trang, mà làm đảm bảo như vậy được, mà mấy bửa rày từ mùng 1 đến nay, ngày nào cũng đâu có dưới cở 5-7 ngàn ngườ ta”.
Bà Trần Thị Liểu Diệp- người dân ở xã Ngãi Tứ - huyện Tam Bình sau khi thắp hương lạy ông, xúc động cho biết:“ hàng năm cứ vào dịp lễ tết, nhớ đến ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ ông Thống Chế Điều Bát; tôi đều đi đến đây, trước là kính viếng lạy ông, là bậc công thần đã có công đối với dân với nước, sau nữa là cầu nguyện, xin ông cho quốc thái dân an, cho dân giàu nước mạnh, và cho gia đình được ấm no,toàn dân ấm no, gia đình hạnh phúc, được sum vầy, và noi gương theo ông để mà giữ gìn đất nước”.
Ngoài nghi lễ truyền thống, nội dung phần hội luôn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương; các trò chơi dân gian đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem như: hội gói bánh tét, múa dâng bông, giao lưu đờn ca tài tử, liên hoan nghệ thuật lân múa lân, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao, đá bóng mù, diễn tuồng… qua đó góp phần giáo dục, nâng cao thể chất, ý chí phấn đấu của con người, giáo dục ý thức cộng đồng, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ. Năm nay, nhờ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng khai thác và nâng cấp 1 số hạng mục phần diện tích phía hậu Lăng Ông, đã tạo thêm khoảng không gian rộng rãi, sạch sẽ, cho các hoạt động lễ hội.
Trong lễ hội, BTC cũng đã chuẩn bị chu đáo từ khâu an ninh bảo vệ, giữ gìn trật tự ATXH-ATGT, cho đến công tác sắp xếp quy hoạch mặt bằng cho các hoạt động dịch vụ; đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Chị Thạch Thị Sà Rên ở xã Tân Mỹ huyện Trà Ôn, đến tham dự lễ hội bộc bạch:“ thì hồi đó tới bây giờ, truyền thống này có thì có cái tết này hồi nào giờ không có đi chơi vui, hôm nay thấy đi quá vui”.
Từ lễ hội văn hóa lịch sử có yếu tố tâm linh, trải qua thời gian dài được gìn giữ và ngày càng phát triển; nhằm làm phong phú thêm nội dung, đồng thời thu hút sự tham gia đông đảo người dân, tăng thêm nét độc đáo của lễ hội; Đ/c Phan Văn Giàu – Phó Giám Đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, đối với Sở cũng đã có một định hướng, từng bước nâng cấp lễ hội thành lễ hội cấp tỉnh, nhằm phát huy hơn tốt nữa về yếu tố tâm linh của người dân cũng như tín ngưỡng và phong tục truyền thống về thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với các bậc tiền nhân đi trước”.
Về Trà Ôn vào ngày Lễ hội Lăng Ông, đánh dấu mùa lễ hội lớn nhất trong năm; không những có ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp tìm về cội nguồn, chứa đựng bên trong một chiều dài lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer, chắc chắn sẽ đem đến cho mọi người và gia đình một mùa xuân thú vị.
Hồng Phương- Trung Chuẩn
Nguồn: http://www.hto.vinhlong.gov.vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét, nhận xét của bạn đang chờ duyệt nội dung trước khi đăng lên chính thức.